Sàn gỗ tự nhiên
Phổ biến và được ưa chuộng là các loại sàn gỗ tự nhiên với chủng loại, mẫu mã, màu sắc phong phú. Kích thước mỗi tấm thông thường là 9x90 (hoặc 75, 60) x1,8 cm (rộng x dài x dày) bằng các loại gỗ căm xe, giáng hương, sồi, gõ đỏ, thông, lim, samu... được sơ chế, định hình theo tiêu chuẩn, tẩm sấy, xử lý chống mối mọt, cong vênh, sau đó hoàn thiện bằng thổi, phun sơn, véc ni... Sàn gỗ tự nhiên có tính thẩm mỹ cao với nhiều màu sắc, vân gỗ mong muốn, hợp với thị hiếu của người sử dụng.
Nhược điểm của loại này là hệ số giãn nở lớn, đặc biệt trong môi trường độ ẩm cao, khi trời nồm hoặc hanh khô dù đã qua xử lý. Sàn gỗ tự nhiên có lớp phủ bề mặt song khả năng trầy xước vẫn lớn. Khi thi công, loại sàn này đòi hỏi thợ có tay nghề, độ chính xác cao.
Sàn gỗ công nghiệp
Các loại sàn gỗ công nghiệp trên thị trường hiện nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Malaysia và được sản xuất theo công nghệ cuả Đức, Thụy Điển, Mỹ. Kết cấu gồm các lớp: melamine tạo phẳng phủ nhựa chống thấm, lớp gỗ sợi xenlulo chống cong vênh, co ngót, lớp hoa văn vân gỗ và lóp phủ bề mặt được xử lý chống biến màu, trơn trượt, trầy xước. Kích thước thông thường là 19x120x0,8 cm, giá từ 270.000 đến 490 .000 đồng/m2 (bao gồm cả chi phí vận chuyển, lắp đặt). Loại này có thể chịu nhiệt cao, hạn chế khả năng bắt lửa, khó biến dạng, mài mòn, trầy xước, dễ làm sạch và đặc biệt là đơn giản trong thi công, lắp đặt.
Nhược điểm: Mặc dù đã qua các bước xử lý nhưng sàn gỗ công nghiệp vẫn khó thích nghi với môi trường độ ẩm cao nên dễ cong vênh khi gặp nước. Do đó, khi làm sạch sàn nhà chỉ nên dùng máy hút bụi hay khăn ẩm để lau.
(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)